Cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp

E-Motion là dự án cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện của nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) và sinh viên ĐH Kinh tế TP HCM.

Ngày 25- 5, Trường ĐH Quốc tế (IU, thành viên ĐHQG TP HCM) tổ chức vòng chung kết và trao giải cuộc thi khởi nghiệp cấp trường năm 2024. Kết quả là giải nhất thuộc về dự án E-Motion.

Dự án E-Motion xuất sắc dành giải nhất

E-Motionlàdự án cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện của nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) và sinh viên ĐH Kinh tế TP HCM.

E-Motion tập trung vào việc cải thiện xe lăn thông thường bằng cách chuyển đổi thành xe lăn điện thay vì phải bỏ chúng đi.

Bằng cách tích hợp hệ thống pin và động cơ điện vào khung sườn được thiết kế đặc biệt, có thể lắp vào bất kỳ mẫu xe lăn thường nào, xe lăn có khả năng tự di chuyển mà không cần sức đẩy từ người sử dụng. Điều này mang lại tiện ích và độ tiện lợi cao đối với người dùng, đặc biệt là những người có khả năng vận động hạn chế.

Cải tiến này cũng giúp giảm công sức và tăng tính linh hoạt khi đi lại hàng ngày, đồng thời góp phần vào việc giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Thông tin từ ban tổ chức cho biết dự án E-Motion đã có sản phẩm cơ bản.

Giành giải nhì là dự án The Plantaecủa sinh viên Trường ĐH Quốc tế và sinh viên Trường ĐH Y dược TP HCM.

Ứng dụng The Plantae sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện thực vật, nhưng để tối ưu kết quả nhận diện và mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng thì nhiều công nghệ và tính năng khác đã được nghiên cứu và ứng dụng vào The Plantae.

Chỉ cần chụp ảnh một cái cây bằng camera điện thoại và ứng dụng sẽ so sánh ảnh với cơ sở dữ liệu lên tới 33.300 cây. Nếu tìm thấy kết quả phù hợp, nó sẽ hiển thị tên thông dụng và tên khoa học, mô tả chung, phân loại khoa học, phân bố địa lý, độc tính, đánh giá sức khỏe và phương pháp chăm sóc phù hợp cùng nhiều thông tin khác của cây.

Đặc biệt, The Plantae là ứng dụng đầu tiên chú trọng vào dược tính của loài thực vật đó (ví dụ các loài cây thuốc nam) và được tối ưu dành cho thị trường Việt Nam.

Giành giải ba cuộc thi là Lollipup – ứng dụng nông sản Việt Nam vào việc phát triển thực phẩm cho thú cưng.

PGS- TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết 8dự án vào vòng chung kết xoay quanh lĩnh vực thực phẩm, công nghệ chế tạo, chăm sóc sức khỏe, IoT (kết nối vạn vật),… mang nhiều giá trị xã hội tích cực, hướng đến xây dựng cộng đồng phát triển bền vững như đúng chủ đề cuộc thi muốn hướng đến.

Đặc biệt, đa số các hồ sơ dự thi năm nay đều đã có sản phẩm cơ bản từ khi tham gia tuyển chọn vòng sơ khảo, từ đó nâng cao chất lượng cuộc thi và tính cạnh tranh giữa các dự án.

Ba dự án đạt giải cao nhất được tham gia hoạt động ươm tạo của nhà trường để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, kết nối chuyên gia, kết nối tổ chức tăng tốc để hỗ trợ phát triển thực tế. Bên cạnh đó, các dự án thuộc TOP 8 đều được hỗ trợ phát triển và có cơ hội đại diện nhà trường tham dự các cuộc thi, sự kiện các cấp khác nhau trong thời gian tới.

 

Tin, ảnh: Huy Lân

https://baomoi.com/cai-tao-xe-lan-thuong-thanh-xe-lan-dien-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-khoi-nghiep-c49197362.epi