Tà Cóm từng xơ xác, đói nghèo vì ma túy, nay dần hồi sinh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong nỗ lực phòng chống ma túy
Bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) gần như biệt lập khi được bao bọc xung quanh là những dãy núi cao của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và dòng sông Mã hùng vĩ. Vùng đất thơ mộng này từng có những ngày tháng đau thương khi nhiều gia đình ly tán, trẻ em thất học, luẩn quẩn trong đói nghèo vì ma túy.
Quá khứ đau buồn
Tà Cóm được hình thành khoảng gần 50 năm trước khi một bộ phận đồng bào người Mông di cư từ phía Bắc về đây định cư, sinh sống. Bản cách huyện lỵ Mường Lát khoảng 45 km và chỉ có 1 đường độc đạo qua xã Mường Lý, rồi lên đò vượt sông Mã, đoạn qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn để tới bản.
Sau nhiều giờ vật lộn trên những cung đường lúc thì qua sông, lúc men theo những sườn núi cheo leo, chúng tôi cũng đến Tà Cóm. Bản bình yên, hoang sơ, vẫn những nếp nhà gỗ được lợp chủ yếu bằng fibro xi-măng đã phai màu, xen lẫn những ngôi nhà lợp tôn nép mình dưới tán rừng xanh ngắt.
Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự cho biết đến nay bản đã không còn là “điểm nóng” về ma túy nhưng hệ lụy vẫn đeo đẳng tới bây giờ. Khoảng 20 năm trước, Tà Cóm từ một bản yên bình trở nên xác xơ, tiêu điều, nhiều gia đình cả vợ chồng bị tù tội vì ma túy, con cái bơ vơ không nơi nương tựa, thất học… Có thời điểm, bản có hơn 100 hộ thì gần một nửa liên quan đến ma túy khiến cuộc sống vốn nghèo lại càng thêm khó khăn. Vòng quay luẩn quẩn với ma túy cứ bám riết lấy người dân nơi đây.
Học đến lớp 6, Hờ Thị Xanh đã phải dừng học khi bố đi tù vì ma túy, mẹ đi cai nghiện rồi không trở về, Xanh phải sống nương tựa cùng gia đình người họ trong bản. Do nghỉ học từ lâu, đến giờ Xanh vẫn chưa thành thạo tiếng Kinh và cũng chẳng viết được tên mình. Khi có người lạ hỏi chuyện, ánh mắt cô bé cứ xa xăm, khép mình như muốn trốn tránh.
“Dù được tuyên truyền nhiều nhưng do địa bàn xa trung tâm xã, trình độ hiểu biết của bà con hạn chế, nên số người dính ma túy vẫn còn. Nhiều gia đình, bố mẹ nghiện ngập khiến con cái thất học, nên cái nghèo cứ bám riết” – Trưởng bản Thào A Sự lý giải.
Lột xác
Để đưa Tà Cóm thoát khỏi vòng luẩn quẩn của ma túy, đói nghèo, rất nhiều giải pháp đã được chính quyền địa phương, lực lượng công an, biên phòng đưa ra. Trong đó, hàng loạt hình thức tuyên truyền về phòng chống tệ nạn ma túy được lực lượng công an, biên phòng triển khai. Từ đó, nhiều mô hình, cách làm hay được hình thành, giúp Tà Cóm từng bước thoát khỏi điểm nóng ma túy, xây dựng bản làng ấm no hạnh phúc trở lại.
Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 22-3-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Lát về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội giai đoạn 2021 – 2025 được xem là “chìa khóa” khi huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống ma túy.
Đặc biệt, năm 2018, mô hình “Dòng họ chống ma túy” được ra đời; năm 2023, mô hình “Bản tự quản phòng chống ma túy” được thành lập. Từ đó, số người nghiện ma túy ở Tà Cóm giảm rõ rệt.
“Năm 2020, Tà Cóm còn 26 đối tượng nghiện và 3 đối tượng nghi nghiện ma túy; 12 đối tượng đang chấp hành án phạt tù; 17 đối tượng tù ra, trong đó có 15 đối tượng tù ra về ma túy. Thế nhưng, nhờ những mô hình tuyên truyền đi vào thực tế, nay trong bản còn khoảng 8 – 9 người nghiện” – Trưởng bản Thào A Sự chia sẻ.
Cũng theo ông Thào A Sự, mô hình “Dòng họ chống ma túy” thực sự giúp bản chuyển biến rõ rệt, nhiều người nghiện đã tự nguyện đi cai, sau khi trở về đã trực tiếp tham gia tuyên truyền người dân từ bỏ ma túy. Đơn cử, trường hợp của ông Lù A Mua. Bảy năm trước, ông Mua dính ma túy, có 6 người con thì 5 đứa phải bỏ học giữa chừng.
Được công an, bộ đội tới nhà vận động, năm 2022 ông Mua quyết tâm đi cai nghiện. Sau 1 năm, ông trở về bắt đầu làm lại cuộc đời. Không những vậy, trong các buổi tuyên truyền của đoàn liên ngành (công an, bộ đội, biên phòng), ông Mua đã đứng ra tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy, đồng thời khuyên bảo đồng bào tránh xa.
“Mô hình “Dòng họ phòng chống ma túy” ra đời đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Cuối mỗi năm, chúng tôi họp để bình xét, đánh giá tổ nào, dòng họ nào làm được, làm tốt sẽ được tuyên dương; dòng họ nào chưa tốt sẽ bị nhắc nhở. Trong bản có họ Hờ làm rất tốt công tác đấu tranh chống ma túy. Trước đây, dòng họ này có số người nghiện đông nhất bản, bây giờ chỉ còn 1 – 2 trường hợp” – trưởng bản Tà Cóm cho hay.
Song song đó, những năm qua, Công an huyện Mường Lát, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa còn phối hợp kiên quyết đấu tranh, trấn áp, xóa nhiều điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, trong đó có cả Tà Cóm.
Ông Trương Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết những năm qua, Tà Cóm chuyển mình mạnh mẽ, số người nghiện ma túy ngày một giảm, tình hình an ninh ổn định, bà con vững tin phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tỉ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, tỉ lệ học sinh cấp tiểu học tới trường đạt 100%.
Thắp lên niềm tin
Tà Cóm đang từng bước chuyển dịch sang “vùng xanh”, bản làng ngày một ấm no hơn khi điện lưới về bản.
Gia đình ông Thào A Thái hiện được xem là hộ có kinh tế vững nhất bản. Khoảng 10 năm trước, gia đình ông thuộc diện khó khăn, quanh năm làm không đủ ăn. Biết thế mạnh của bản có rừng núi rộng lớn, A Thái vay ngân hàng để nuôi trâu, bò thả rông, rồi dê, gà… Chỉ sau vài năm, cuộc sống của gia đình ông Thái đã khấm khá. Năm 2017, ông Thái xin ra khỏi hộ nghèo và cũng là gia đình đầu tiên thoát nghèo của bản. Không chỉ vậy, ông còn tặng bò giống cho một số hộ đặc biệt khó khăn trong bản, hướng dẫn bà con vay vốn làm kinh tế. Từ đó, trong bản có nhiều gia đình tự lực vươn lên thoát nghèo.
Tà Cóm còn là bản có nhiều người vươn lên trong học tập, đỗ đại học, mang vinh quang về cho gia đình, dòng họ. Nhắc về sự học ở bản nghèo này, các thế hệ thầy cô giáo “cắm bản” vẫn khâm phục nghị lực phi thường của Sùng A Chai – người đầu tiên đỗ đại học và sau này trở thành thầy giáo đầu tiên của bản.
Chai là anh cả trong gia đình có 6 anh em, nhà nghèo, đông con nên để thay đổi được số phận, hành trình tới trường của Chai thấm đẫm mồ hôi và đầy nghị lực. Cũng như những đứa trẻ người Mông vùng rẻo cao, bắt đầu từ cấp II, học sinh phải đi ra các điểm bán trú, cách xa nhà hàng chục cây số để học. Để tìm con chữ, Chai phải tự lập, sống xa nhà từ năm lên lớp 6. Đến lớp 9, gia đình Chai không còn đủ sức để em tiếp tục học nhưng với ý chí “chỉ có học mới thay đổi được cái nghèo”, Chai tiếp tục khăn gói lên Trường THPT Mường Lát học tập.
Để có tiền mua gạo, sách bút, quần áo, suốt 3 năm học ở trường huyện, Chai một buổi tới trường, một buổi vào rừng đào bắt dúi đem bán. “Chứng kiến người dân trong bản, trong đó có cả người thân của mình, quanh năm đói nghèo, ma túy, bản thân thấy phải nỗ lực học tập. Ở đây, nếu không học sẽ ôm trọn cái đói, cái nghèo. Từ đó, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng học, dù có khó khăn, vất vả thế nào. Đến giờ, mang con chữ về cho bản làng, tôi thấy lựa chọn của mình là đúng, nên trong quá trình dạy học, tôi luôn khuyên các em chỉ có học mới là con đường duy nhất giúp thoát nghèo” – Sùng A Chai chia sẻ.
Tiếp bước Chai, trong bản cũng đã có nhiều người đỗ đại học. “Đến nay Tà Cóm đã có 4 người tốt nghiệp đại học. Trong đó, nghị lực của thầy giáo Sùng A Chai hay Sùng A Nụ đã, đang và sẽ là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò trong bản học tập, noi theo” – Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự hồ hởi.
Hoàng hôn xuống, mặt trời khuất sau những ngọn núi vời vợi. Khói bếp bay lên, vẽ nên cảnh sắc thanh bình giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Việc thoát nghèo, với đồng bào Tà Cóm đã không còn xa.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn
https://nld.com.vn/xanh-lai-ban-ngheo-ta-com-196240615183656951.htm