Sau mấy ngày giằng co trong phạm vi hẹp, đồng USD bất ngờ “dìm” đồng yên xuống dưới ngưỡng 155 yên đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 1990…
Đồng yên Nhật Bản lập một mức đáy mới của 34 năm khi giảm quá mốc 155 yên đổi 1 USD, ngay trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Xu hướng mất giá liên tục của đồng yên khiến các nhà giao dịch cảm thấy bất an, không rõ liệu nhà chức trách Nhật có can thiệp vào thị trường ngoại hối hay không.
Sau mấy ngày giằng co trong phạm vi hẹp, đồng USD bất ngờ “dìm” đồng yên xuống dưới ngưỡng 155 yên đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 1990 trong phiên giao dịch ngày thứ Tư tuần này. Sáng nay (25/4), tỷ giá yên so với USD ổn định quanh ngưỡng 155,3 yên đổi 1 USD.
Gần đây, thị trường rộ lên đồn đoán rằng Bộ Tài chính Nhật Bản và BOJ sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn đồng yên giảm dưới 155 yên/USD. Lời đồn đã giữ cho đồng yên bám trụ trên ngưỡng tỷ giá tâm lý này được vài phiên, nhưng cuối cùng vẫn không thể trụ được. Nhiều người đã xem mốc 155 là một giới hạn buộc Tokyo phải hành động.
Mốc tỷ giá trên xuất hiện trong bối cảnh BOJ khởi động cuộc họp kéo dài trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu. Thị trường dự đoán BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này. Tại cuộc họp tháng 3, BOJ đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, chấm dứt lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới.
“Chúng tôi dự báo cuộc họp này của BOJ sẽ đưa ra một quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng tuyên bố của họ sẽ ngả về cứng rắn”, nhà phân tích Carl Ang của công ty MFS Investment Management nhận định với hãng tin Reuters.
“Về mặt tín hiệu chính sách, tháng 4 có vẻ vẫn còn hơi sớm để dịch chuyển khỏi thông điệp từ cuộc họp tháng 3 rằng điều kiện tài chính nới lỏng sẽ duy trì trong một thời gian. Kỳ vọng duy trì rằng BOJ sẽ thắt chặt một cách chậm rãi, cộng thêm lãi suất chính sách còn thấp, sẽ khiến đồng yên khó mà tăng giá nhiều được cho dù đang ở mức thấp lịch sử”.
Tuần này, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói rằng BOJ sẽ tăng lãi suất thêm nếu xu hướng lạm phát tăng tốc tăng tốc về mức mục tiêu 2% như kỳ vọng.
“Mốc 155 yên/USD là một ngưỡng tâm lý chủ chốt sau khi giới chức Nhật Bản không can thiệp ở mức 152”, nhà giao dịch ngoại hối Helen Given của công ty Monex USA nhận định với Reuters. “Dù ông Ueda đã nhiều lần nói BOJ sẽ không tăng lãi suất chỉ để bảo vệ tỷ giá đồng yên, vẫn có khả năng nhà chức trách về tiền tệ của Nhật Bản sẽ hành động trùng với cuộc họp ngày thứ Sáu của BOJ”.
Bà Given nhận định BOJ sẽ không điều chỉnh lãi suất vào ngày thứ Sáu, nhưng “có khả năng đáng kể nhà chức trách sẽ tiến hành can thiệp vào thị trường tiền tệ vào cùng ngày để ngăn một cú sụt mạnh về mốc 160 yên đổi 1 USD”.
Hôm thứ Ba tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã đưa ra cảnh báo mạnh nhất từ trước đến nay của ông về khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ. Ông nói cuộc gặp tuần trước của ông với các đối tác Mỹ và Hàn Quốc đã đặt nền móng để Tokyo hành động chống lại sự biến động tỷ giá quá mức của đồng yên.
Về phần mình, đồng USD vẫn đang giữ thế “thượng phong” trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Chỉ số Dollar Index tăng trong phiên ngày thứ Tư và đang vững ở vùng 105,8-105,9 điểm, gần mức đỉnh của 5 tháng là 106 điểm thiết lập trong tuần này.
Theo dữ liệu từ trang MarketWatch, đồng USD đã tăng giá gần 4,4% từ đầu năm đến nay và tăng gần 1,2% trong 1 tháng qua. Đà tăng này được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất do tiến trình giảm lạm phát ở Mỹ chậm lại và nền kinh tế vẫn giữ nhịp tăng trưởng vững dù lãi suất cao nhất 23 năm.
Bình Minh
https://vneconomy.vn/dong-yen-truot-doc-khong-phanh-so-voi-usd-ngay-truoc-cuoc-hop-cua-boj.htm