YouTube dùng chiêu trò trục lợi

YouTube bị cáo buộc đặt các video vi phạm bản quyền cùng quảng cáo của các chính trị gia tiếng tăm như Tổng thống Donald Trump và nhiều tập đoàn lớn để thu tiền quảng cáo. Trong khi đó, Google được cho là cố tình làm ngơ vì lợi nhuận khủng mang lại.

YouTube bị tố trục lợi tiền quảng cáo

Ngày 14/7, tờ New York Post đưa tin Adalytics – công ty nghiên cứu độc lập của Mỹ, chuyên phân tích hiệu suất quảng cáo kỹ thuật số, có mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 – tung báo cáo dài 300 trang vạch trần thủ đoạn kiếm tiền gian dối của YouTube.

Báo cáo chỉ ra nền tảng chia sẻ thông tin nổi tiếng thu tiền quảng cáo bằng cách đặt video vi phạm bản quyền cùng với quảng cáo của các chính trị tiếng tăm như Tổng thống Donald Trump… cũng như các tập đoàn lớn như JPMorgan, General Motors và Pizza Hut… Giải thích rõ ràng hơn là YouTube cho phát quảng cáo tính phí trong các video vi phạm bản quyền.

Tháng 9/2024, YouTube phát quảng cáo của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump trong video được cho là bản lậu của bộ phim bom tấn Top Gun: Maverick do Tom Cruise đóng chính.

Quảng cáo về ông Trump được lồng vào video lậu của Top Gun 2 trên YouTube. Ảnh do Adalytics thu thập.

Tháng 6, quảng cáo cho sữa tắm Olay của hãng Procter & Gamble xuất hiện cạnh bản lậu tiếng Nga loạt phim Squid Game của Netflix. Quảng cáo của Pizza Hut và General Motors cũng được phát cùng với bản lậu bằng tiếng Tây Ban Nha của bộ phim Sinners (2025).

Những ví dụ trên đều được chứng minh bằng ảnh chụp màn hình do Adalytics thu thập được trong quá trình phân tích thị trường.

Warner Bros. sau đó đã báo cáo vi phạm bản quyền đối với 2 tác phẩm điện ảnh do hãng sản xuất (Top Gun 2 và Sinners) và video bị gỡ bỏ. Những video còn lại cũng chung số phận do vi phạm bản quyền.

Đáng nói là YouTube gần như không bao giờ hoàn tiền phí quảng cáo cho các thương hiệu sau khi những video vi phạm chính sách của kênh bị gỡ bỏ.

“Họ để cho việc này diễn ra vì họ đang thu lợi tài chính từ việc này. Họ bỏ túi số tiền đó và tiếp tục vi phạm”, Erich Garcia, một giám đốc tiếp thị lâu năm ở Mỹ, nói với New York Post.

Garcia cho biết từng phản ánh vấn đề này trực tiếp với YouTube vào đầu năm 2023, khi đang là trưởng bộ phận truyền thông trả phí tại Quote.com.

Vào thời điểm đó, ông Garcia nhận thấy quảng cáo của công ty ông được gắn vào video trên những kênh lạ, thường bằng tiếng nước ngoài với lượng người xem rất thấp. Với thời lượng khoảng 20 phút, công ty phải trả phí quảng cáo hàng nghìn USD.

Đây không phải là những trường hợp đơn lẻ. Garcia cho biết có tới 50% ngân sách quảng cáo của Quote được YouTube liệt kê vào mục “Total: Other” (thường dùng cho những khoản thu – chi không xác định) trong báo cáo định kỳ gửi công ty. Điều đó có nghĩa là các kênh mà quảng cáo được phát trên đó đã bị gỡ, nhưng không nói rõ tên của kênh đó.

Cuối cùng, Garcia gửi văn bản phản hồi YouTube rằng gần 300.000 USD, tức hơn 40% chi tiêu quảng cáo của Quote, không được thể hiện rõ ràng trong các báo cáo của YouTube.

Công ty mẹ của YouTube là Google gửi cho ông Garcia khoản tín dụng tài khoản trị giá 50.000 USD, nhưng không thừa nhận đó là vì những vấn đề ông nêu ra.

Adalytics còn thu thập được video có gắn quảng cáo chiến dịch tranh cử ông Trump phát cùng với nhiều bản lậu trận đấu bóng bầu dục đại học vào mùa thu 2024. Video bị xóa sau khi tài khoản bị khai tử.

Quảng cáo cho chiến dịch của ông Trump cũng xuất hiện trong video chiếu lậu trận đấu bóng bầu dục đại học. Ảnh do Adalytics thu thập.
Trước cáo buộc từ Adalytics, người phát ngôn của YouTube có phản hồi chính thức không lâu sau đó. Tuy nhiên, đó không phải là lời nhận lỗi, mà thiên về bảo vệ chính sách do họ đặt ra.

Người phát ngôn của YouTube cho biết Content ID – công cụ an toàn để kiểm tra vi phạm bản quyền – xác định video gắn quảng cáo của chiến dịch Trump do Adalytics nêu ra có vi phạm và đã bị xóa khỏi nền tảng. Kênh vi phạm cũng bị bị cấm.

“Khi phát hiện các kênh liên tục tải lên nội dung mà họ không sở hữu, chúng tôi sẽ chấm dứt các kênh đó. Nếu có quảng cáo phát trên những nội dung này, chúng tôi sẽ hoàn tiền cho nhà quảng cáo”, phía YouTube khẳng định.

Theo đại diện trang web chia sẻ video, Content ID phát hiện hơn 2,2 tỷ video vi phạm chỉ trong năm 2024. Trong hơn 90% trường hợp, các chủ sở hữu bản quyền chọn giữ nội dung của họ trên YouTube để nhận doanh thu quảng cáo.

Nhà Trắng từ chối bình luận. Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa không phản hồi về vấn đề trên.

Chiến dịch của Kamala Harris cùng nhiều thương hiệu lớn như NBCUniversal, US Bank, T-Mobile… cũng gặp phải những vấn đề tương tự.

Chiêu trò phủi trách nhiệm

Các nhà quảng cáo tỏ ra phẫn nộ về việc quảng cáo xuất hiện cùng các video bất hợp pháp trên YouTube trong ít nhất một thập kỷ. Năm 2015, quảng cáo của các thương hiệu lớn như Toyota và Anheuser-Busch từng xuất hiện cạnh các video hành quyết của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS).

Năm 2017, Lyft rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi phát hiện nó được chạy trên kênh của nhóm tôn vinh chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Giữa những lùm xùm đó, YouTube vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” cho Google. Nền tảng này thu về con số khổng lồ 36,1 tỷ USD doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số trong năm 2024, thậm chí xác lập kỷ lục quý đầu tiên trong lịch sử đạt mốc 10 tỷ USD (3 tháng cuối năm). Trước con số khủng này, Google bị tố làm ngơ để YouTube tiếp tục vi phạm.

Các nguồn tin cho biết dù YouTube vẫn gửi các báo cáo phân bổ quảng cáo cho khách hàng, nội dung những văn bản đó mơ hồ và khó hiểu. Một số chiến dịch quảng cáo có thể có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu mục được ghi lại trong bảng tính, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phân tích hiệu quả.

“Họ có các công cụ kiểm soát, nhưng có vẻ như chúng không hoạt động hiệu quả như họ nói. Họ xây dựng một hệ sinh thái rất phức tạp. Điều đó đẩy nhà quảng cáo vào tình huống như đang mua quảng cáo trong sàn giao dịch mở và bạn có thể bị phân phối đến các kênh hoặc video có nội dung không an toàn, gây tranh cãi hoặc do nước ngoài sở hữu”, một giám đốc quảng cáo giấu tên nhấn mạnh.

Content ID là công cụ được YouTube sử dụng để phát hiện video vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, sau khi phát hiện vi phạm, nền tảng chỉ có động thái gỡ bỏ video, không hoàn lại phí quảng cáo cho đối tác.

Các chuyên gia trong ngành cho biết những video trên YouTube bị gỡ thường được liệt kê trong báo cáo của Google dưới danh mục “Total: Other”. Các báo cáo này không cung cấp thông tin về thời điểm hoặc lý do video bị gỡ, khiến nhà quảng cáo không thể xác định tiền của họ được tiêu vào đâu.

Một nhà mua quảng cáo chỉ ra việc hiểu đầy đủ quảng cáo của thương hiệu đang được phân phối ở đâu và như thế nào trên YouTube là “hoàn toàn bất khả thi.”

Để kiểm tra chính sách hoàn tiền của YouTube, nhà mua quảng cáo thứ hai thực hiện thử nghiệm: đánh dấu các quảng cáo chỉ chạy trên những kênh mà họ biết rõ là có phát video lậu. YouTube gỡ các video đó, nhưng không hoàn tiền.

“Tại sao họ không hoàn tiền trong trường hợp đó? Nếu nội dung đó không đủ tiêu chuẩn theo chính sách của họ, tại sao vẫn nhận tiền nhà quảng cáo? Có vẻ như họ thật sự chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, chứ không quan tâm nhiều đến hiệu quả chiến dịch của nhà quảng cáo”, chuyên gia trong ngành chất vấn.

YouTube bác bỏ các đánh giá rằng báo cáo phân phối của họ quá mơ hồ, đồng thời khuyến khích các nhà quảng cáo liên hệ với quản lý tài khoản nếu có thắc mắc về việc nhận “tín dụng bù đắp” (make good).

Vào đầu năm, thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết rằng Google đang điều hành hai hình thức độc quyền bất hợp pháp liên quan đến quảng cáo kỹ thuật số. Bộ Tư pháp đang thúc đẩy việc chia tách công ty để khôi phục cạnh tranh.

Các nhà phê bình lập luận rằng sự thiếu cạnh tranh cho phép Google tiếp tục hoạt động mà không cần thực hiện cải tiến đáng kể nào về sản phẩm hoặc an toàn.

Theo ông Garcia, các nhà quảng cáo gần như không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận tổn thất và tiếp tục hợp tác với YouTube vì nền tảng này có lượng người dùng quá lớn.

“Nó giống như kiểu phải cúi đầu thần phục. Anh còn biết đi đâu nữa? Không có đối thủ nào đủ sức cạnh tranh với YouTube cả”, Garcia nói.

theo Tiền Phong