Phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam (*): Không xây nền móng, làm sao giấc mơ thành hiện thực?!

Chính mặt bằng thưởng ngoạn âm nhạc cao mới quyết định cho sự phát triển của nhạc Việt vì có như thế mới kích thích sáng tạo để tạo nên một nền âm nhạc chất lượng cao

Mới đây có người đặt vấn đề với tôi rằng “nhạc Việt không ít tài năng nhưng vì sao vẫn chưa được ưa chuộng nhiều trên thế giới?”. Câu hỏi này phải được trả lời bắt đầu từ cái gốc, rồi mới hiểu tại sao nhạc Việt vẫn chưa ra khỏi ao làng. Nếu cứ ước mơ với những câu hỏi ngây ngô như thế, chẳng khác nào ta thắc mắc vì sao bóng đá Việt Nam (sân cỏ 11 người) chưa giành quyền vào vòng chung kết World Cup!

Phải xây nền móng vững chắc

Có vẻ như bóng đá và âm nhạc khiến ta có nhiều trăn trở và nhiều nỗi niềm nhất, khi càng đặt nhiều hy vọng, chúng ta lại càng nhận lấy nhiều thất vọng. Vì chỉ có khát vọng mà không xây dựng nền móng, không giáo dục thế hệ tương lai thì chúng ta thật sự khó hiện thực hóa những giấc mơ.

Phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam (*): Không xây nền móng, làm sao giấc mơ thành hiện thực?!- Ảnh 1.
Hai đêm diễn “Chân trời rực rỡ” của ca sĩ Hà Anh Tuấn hồi năm 2023 ở Ninh Bình với khách mời đặc biệt là nghệ sĩ Nhật Bản Kitaro thu hút 20.000 khán giả. Album cùng tên với 13 ca khúc vừa được ra mắt vào tháng 3-2024 Ảnh: VIET VISION

Hai đêm diễn “Chân trời rực rỡ” của ca sĩ Hà Anh Tuấn hồi năm 2023 ở Ninh Bình với khách mời đặc biệt là nghệ sĩ Nhật Bản Kitaro thu hút 20.000 khán giả. Album cùng tên với 13 ca khúc vừa được ra mắt vào tháng 3-2024 .Ảnh: VIET VISION

Ở bóng đá, muốn vươn tầm thế giới, điều tất yếu là phải có một chiến lược đầu tư và đào tạo trẻ bài bản, phải có một giải thi đấu quốc gia chất lượng ngang tầm châu lục, thế giới; phải có huấn luyện viên tài giỏi…

Với một nền âm nhạc cũng vậy, bên cạnh các nhạc viện, học viện âm nhạc để đào tạo lớp nghệ sĩ tương lai, phải có một giáo trình cập nhật với thế giới, phải có một mặt bằng dân trí âm nhạc tương xứng. Phải trang bị cho một đứa trẻ từ mầm non đến đại học trình độ nhận thức thẩm mỹ âm nhạc tối thiểu về các giá trị âm nhạc của nhân loại, bên cạnh âm nhạc truyền thống. Khi một mặt bằng thưởng thức nghệ thuật còn bị thả nổi thì khó lòng có được phong cách âm nhạc đẹp và giá trị để nhạc Việt có thể mê hoặc thế giới.

Vì những nghệ sĩ dù có được đào tạo tốt đến mấy, có tâm huyết đến mấy mà người nghe không cảm được nghệ thuật đích thực thì anh ta sống thế nào được nếu không chiều theo cái “chuẩn” của một thị hiếu số đông lệch chuẩn rất nhiều năm nay, chưa kể đến tác động của mạng xã hội và xu hướng lướt nhanh kiểu TikTok.

Và như thế, bóng đá và âm nhạc có chung một ước mơ khá viển vông: Làm sao mà một nền bóng đá trình độ còn thấp có thể xuất khẩu cầu thủ sang những nền bóng đá cao hơn? Sắp tới, bạn có thể trả lời cho câu hỏi: “Nhạc Việt không ít tài năng nhưng vì sao vẫn chưa được ưa chuộng nhiều trên thế giới?”.

Trong cái khát khao đi tìm ánh sáng của những viên ngọc Việt trong lớp trầm tích vĩnh cửu âm nhạc thế giới ấy, tôi thử mò mẫm xem nhạc Việt đã góp mặt hay chưa. Từ thời sinh viên, tôi rất thần tượng nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo. Nhưng khi tôi tìm trong lớp trầm tích âm nhạc các nền tảng nhạc số, thật đáng tiếc là âm nhạc của ông lại ít được thu âm và lưu trữ.

Một chút an ủi khi những album của pianist Đặng Thái Sơn và các album world jazz của Nguyên Lê như những viên ngọc Việt ít ỏi trong khối băng vĩnh cửu khổng lồ của âm nhạc nhân loại. Một thực tế là những “viên ngọc” ấy đều được đào tạo từ một nền giáo dục nghệ thuật ở nước ngoài.

Nâng cao mặt bằng thưởng ngoạn

Phải thừa nhận là yếu tố được đào tạo ở nước ngoài khá quan trọng, vì nó giúp nghệ sĩ rút ngắn khoảng cách về học thuật. Nhưng chính một mặt bằng thưởng ngoạn âm nhạc cao mới quyết định cho sự phát triển của nhạc Việt. Vì có như thế, những nghệ sĩ kể trên mới có thể tồn tại, mới kích thích sự sáng tạo của người nghệ sĩ và tạo nên một nền âm nhạc chất lượng cao.

Đừng nhìn vào những giao diện của những nền tảng nhạc số để ngộ nhận rằng nhạc Việt đã vượt khỏi biên giới. Đừng vì một vài bài hát được cover trong các nước Đông Nam Á mà lầm tưởng nhạc Việt tầm cỡ. Vì các giao diện ấy luôn chiều lòng theo các thị trường âm nhạc mỗi quốc gia. Vì cốt lõi là lớp trầm tích bên dưới.

K-pop đình đám như thế nhưng khi bạn đi sâu vào lớp băng vĩnh cửu của âm nhạc thế giới thì cũng chẳng có hoặc rất ít những tên tuổi của họ được lắng đọng nơi đây, nơi hiện diện của cái đẹp âm nhạc vĩnh cửu: Mozart, Chopin, Beethoven, Bach, Rachmaninoff, Chick Corea, Bob James, John Lennon, Michael Jackson, The Beatles, Bee Gees, Abba, Queen, Eagles, Tan Dun, Joe Hisaishi, Đặng Thái Sơn, Yoyo Ma… Mọi thứ trên bề mặt sẽ qua nhanh như cơn gió thổi trên mặt tuyết. Chỉ có lớp băng bên dưới mới nói lên đẳng cấp một nền âm nhạc.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-5

Hành động ngay từ bây giờ

Bạn đang trong một tour du lịch ở một đất nước xa xôi nào đó. Và rồi từ đâu vang lên một bài tình ca của Việt Nam, được hát bằng tiếng Anh, nơi một nhóm người đang tụ tập ở bãi biển, như là bạn đã từng mê đắm “The Girl From Ipanema” vậy. Bài hát nói về một buổi chiều trên bãi biển ở Việt Nam và được thu âm rất nhiều bởi các danh ca thế giới. Điều đó trở thành bình thường.

Khi về khách sạn tắm rửa và diện lên một bộ cánh thật đẹp, tối hôm đó cả đoàn đi xem buổi hòa nhạc giao hưởng. Thật bất ngờ là bản concerto cho piano của một nhà soạn nhạc Việt Nam vang lên trong khán phòng nhà hát thật lộng lẫy của quốc gia Caribê xinh đẹp. Và điều đó cũng trở thành bình thường.

Tin được không? Nó tùy thuộc vào việc chúng ta có hành động ngay bây giờ hay không!

Các ngôi sao quốc tế chưa mặn mà với thị trường Việt, vì sao?

Trả lời câu hỏi này, nhạc trưởng – NSƯT Hoàng Điệp cho rằng: “Vì Việt Nam, về cơ bản, vẫn chưa đáp ứng được về mặt kỹ thuật, công nghệ theo danh sách yêu cầu của các ngôi sao thế giới. Thậm chí nhiều ngôi sao thế giới rất dễ thương khi nhận lời đến Việt Nam biểu diễn trong điều kiện eo hẹp sẵn có về mặt kỹ thuật của ban tổ chức phía Việt Nam. Nhưng công tâm nhận định, những người làm nghề thấy thương cho họ vì rõ ràng, chất lượng đêm diễn tại Việt Nam có sự khác biệt khá lớn so với đêm diễn của chính họ ở nơi khác”.

Những chia sẻ của nhạc trưởng – NSƯT Hoàng Điệp cũng là ý kiến chung của người trong giới. Thực tế đã chứng minh thị trường giải trí Việt đã “hụt” nhiều buổi diễn của ngôi sao vì không đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Mới đây, fan Việt ồ ạt sang Singapore xem Taylor Swift biểu diễn. Trước khi được xem nhóm nhạc BlackPink diễn tại Hà Nội, người hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink (trong đó có nhiều người nổi tiếng của showbiz Việt) thường phải bay sang các nước lân cận, như Thái Lan, để theo dõi những đêm diễn của nhóm nhạc này.

Thái Lan tiếp đón hàng loạt nghệ sĩ hạng A thế giới và khu vực, từ Harry Styles, Arctic Monkeys, THE 1975 đến BlackPink và sắp tới là Cardi B, Sam Smith, Bruno Major hay DJ Marlo. Những đêm diễn này quy tụ từ 15.000 tới gần 100.000 khán giả. Trung bình hằng tuần tại xứ chùa vàng đều có các festival âm nhạc theo mùa quy tụ đông đảo cả khán giả nội địa lẫn du khách nước ngoài tới tham dự. Nhiều cái tên đình đám trên thế giới như Coldplay, Muse, HONNE, Blur hay Kendrick Lamar… đã công bố tour châu Á năm nay, với những điểm đến như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia hay Philippines.

Nhiều thị trường ở châu Á sôi động với hàng loạt festival âm nhạc, cùng sự xuất hiện của những nghệ sĩ hàng đầu thế giới… nhưng ở Việt Nam, “nhạc hội quốc tế” vẫn là một khái niệm xa xỉ.

Khi hay tin ca sĩ ngôi sao người Mỹ Ariana Grande đến Việt Nam biểu diễn, cộng đồng người hâm mộ vô cùng háo hức. Nhưng sát giờ diễn, ban tổ chức thông báo đền tiền vé cho khán giả còn Ariana Grande thông báo trên trang cá nhân “vì lý do sức khỏe nên phải hẹn khán giả TP HCM vào một dịp khác”. Thời điểm đó, Ariana Grande trở thành đề tài bàn bán, thậm chí bị chỉ trích nặng nề vì đã hủy show diễn khiến khán giả hụt hẫng. Thế nhưng, việc ê-kíp 28 người đã đến Việt Nam và quyết định không biểu diễn sát giờ diễn hẳn là có lý do quan trọng.

Có những nhà tổ chức không đáp ứng nổi yêu cầu cá nhân sao quốc tế nên không đạt được thỏa thuận. Nhưng cũng có những đơn vị tổ chức, như đơn vị mời Ariana Grande về Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu cá nhân ca sĩ nhưng lượng vé bán ra không đủ để làm ca sĩ thấy “vui vẻ” lên sân khấu biểu diễn. Trong khi đó, lỗ vốn khiến cho nhiều đơn vị tổ chức chùn chân.

T. Trang

 

NHẠC SĨ VÕ THIỆN THANH

https://nld.com.vn/phat-trien-nen-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-khong-xay-nen-mong-lam-sao-giac-mo-thanh-hien-thuc-196240520203626961.htm