Công bố những số điện thoại giả mạo cán bộ bảo hiểm xã hội để lừa đảo

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk đã thu thập được nhiều số điện thoại giả mạo cán bộ của cơ quan, gọi điện yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân nhằm lừa đảo.

Ngày 23/5, ông Nguyễn Khắc Tuấn – Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa có thông báo gửi đến các cơ quan chức năng và địa phương về việc giả mạo cán bộ cơ quan BHXH để lừa đảo.

Trước đó, BHXH tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc có người gọi điện thoại tự xưng là cán bộ cơ quan BHXH tỉnh, BHXH huyện, thị xã, thành phố đề nghị kết bạn qua tài khoản mạng xã hội Zalo, yêu cầu cung cấp căn cước công dân để đồng bộ với dữ liệu BHXH; hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID – BHXH số hoặc hướng dẫn liên kết sử dụng ứng dụng VssID – BHXH số bằng ứng dụng VneID thông qua đường link: “vssid.govvvn.com”.

Công bố những số điện thoại giả mạo cán bộ bảo hiểm xã hội để lừa đảo ảnh 1
Người dân phản ánh nhận nhiều cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Ảnh minh hoạ

Các số điện thoại mạo danh nêu trên, BHXH tỉnh thu thập được từ người lao động cung cấp như sau: 0827787463, 0824171269, 0962725841.

Việc làm này không đúng với quy trình làm việc, hướng dẫn, liên hệ công việc của cán bộ ngành BHXH tỉnh Đắk Lắk, gây nhầm lẫn hoặc cố tình lừa đảo người dân, người lao động khi tham gia và hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngành BHXH tại địa phương.

Do đó, BHXH tỉnh Đắk Lắk báo cáo các cơ quan chức năng và thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh cảnh giác trước hành vi sử dụng số điện thoại và tự xưng là cán bộ ngành BHXH để yêu cầu người dân, người lao động kết bạn, cung cấp căn cước công dân và hướng dẫn, cài đặt ứng dụng VssID – BHXH số thông qua đường link lạ là hành vi giả mạo cần đề phòng cảnh giác.

Ông Tuấn thông tin thêm có trường hợp người dân phản ánh họ bị lừa cung cấp thông tin song may mắn chưa bị mất tiền. Cũng có trường hợp đăng lên mạng facebook rao làm dịch vụ hồ sơ thanh toán BHXH một lần nhằm lấy tiền phần trăm. Theo ông Tuấn đây là việc làm sai quy định, xảy ra tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) nên cơ quan BHXH đã báo công an để xác minh, xử lý.

 

HUỲNH THỦY

https://tienphong.vn/cong-bo-nhung-so-dien-thoai-gia-mao-can-bo-bao-hiem-xa-hoi-de-lua-dao-post1639788.tpo#1639788%7Czone-highlight-2%7C4