“Tôi nghiên cứu mãi, tìm con đường tiến tới Tây Nguyên như nào cho nhanh nhất và cuối cùng nhận thấy đi từ Gia Nghĩa đến Chơn Thành là thuận lợi nhất”, Thủ tướng chia sẻ.
Cả đất nước như một công trường, xây dựng hàng loạt cao tốc
Tiếp tục kỳ họp thứ 7, chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Tại phiên thảo luận, Thủ tướng dành nhiều thời gian chia sẻ về việc xây dựng đường cao tốc. Người đứng đầu Chính phủ cho biết: “Chưa bao giờ cả đất nước như một công trường, xây dựng hàng loạt cao tốc đi qua 45 tỉnh/thành”.
Trước đây, chúng ta làm chưa nhiều do chưa thu xếp được vốn nhưng bây giờ ta tập trung thực hiện một loạt các tuyến đường cao tốc từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau và các tuyến xương cá từ Hà Nội đi Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn…
Điểm lại một loạt các tuyến đường cao tốc đã, đang triển khai trên cả nước, Thủ tướng cho biết, chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng và tháo gỡ dần.
Nhắc đến những khó khăn trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy.
Lấy ví dụ về khó khăn trong giải phóng mặt bằng, ông cho biết, nếu thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công thì phải sau khi được phê duyệt mới giải phóng mặt bằng, như vậy mất nhiều thời gian. Cho nên, giải pháp là phải tách giải phóng mặt bằng riêng.
“Đây là vấn đề khó, cần làm trước. Khi đã có giải phóng mặt bằng, cùng với “ba ca, bốn kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, chỉ bàn làm, không bàn lùi thì sẽ xong hết”, Thủ tướng khẳng định.
Lấy dẫn chứng dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã thực hiện được cây cầu to hơn, dài hơn, rẻ hơn thậm chí thời gian làm ngắn hơn.
So với cầu Mỹ Thuận 1 trước đây phải đi vay để làm, do nước ngoài thi công chính, đến dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn toàn do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong triển khai các công việc nói chung và các dự án giao thông nói riêng.
Mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ “con đường chiến lược”
Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành, Thủ tướng mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương này vì đây là con đường rất chiến lược.
“Tôi nghiên cứu mãi, tìm con đường tiến tới Tây Nguyên như nào cho nhanh nhất và cuối cùng nhận thấy đi từ Gia Nghĩa đến Chơn Thành là con đường thuận lợi nhất”, Thủ tướng chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện dự án, theo Thủ tướng, cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù. Còn về tổng thể sau này, Thủ tướng nhấn mạnh phải sửa Luật PPP, Luật Đầu tư công, sửa Luật Đấu thầu.
Nói thêm về việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, hiện nay trong một bộ phận cán bộ, công chức có “tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh”, trong đó một phần nguyên nhân do thể chế còn nhiều vướng mắc.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, trước mắt vẫn phải tập trung vào tháo gỡ thể chế.
Theo Thủ tướng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay chúng ta tập trung rất nhiều về vấn đề thể chế. Chính phủ và Quốc hội qua các kỳ họp chính thức, bất thường vừa qua đều tập trung làm thể chế nhưng rõ ràng còn vướng mắc rất nhiều.
Trang Trần – Phùng Đô
https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-toi-nghien-cuu-mai-thay-gia-nghia-chon-thanh-thuan-loi-nhat-den-tay-nguyen-192240525193020829.htm