Khoảng một năm qua, nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp chế thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, giảm được trên 60% chi phí sản xuất.
Ông Lê Thành Lập, tổ liên kết sản xuất nhãn Bạch Viên, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cho hay khoảng một năm nay, nhờ sử dụng phân hữu cơ làm từ cá cho vườn nhãn đã giúp giảm chi phí sản xuất đáng kể. Lượng phân vô cơ giảm 70%, chỉ còn khoảng 30% thuốc xử lý ra hoa, trái.
“Trước đây tôi cũng đã thử làm phân hữu cơ bằng cá, nhưng còn mùi hôi rất lớn. Từ khi thực hiện mô hình này có men vi sinh thấy rất hiệu quả.
Việc sử dụng phân sinh học thay phân vô cơ giúp giảm chi phí sản xuất, cây phát triển rất tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân”, ông Lập cho biết.
Hiện 40 thành viên tổ liên kết sản xuất nhãn Bạch Viên, xã An Nhơn đang sử dụng men vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chế phẩm sinh học cho cây trồng.
Ông Mai Hữu Tâm – nông dân xã An Nhơn – cho biết gia đình ông đã tự sản xuất và sử dụng phân hữu cơ từ rác thải và phụ phẩm nông nghiệp hơn một năm qua, đạt hiệu quả rất tốt.
“Chúng tôi dùng các nguyên liệu quen thuộc như men tiêu hóa sirô, sữa chua, đường, men rượu, cám gạo, chuối, trộn các nguyên liệu này lại ủ 24 giờ đem phơi khô thành men gốc. Lấy một lượng men gốc đủ dùng hòa vào nước, rồi đem nước này tưới vào phần rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, ủ tiếp khoảng 3-4 ngày thành phân bón hữu cơ”, ông Lập nói.
Ông Huỳnh Hữu Thuận – chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn – cho biết mô hình “tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” hoạt động từ tháng 8-2023 đến nay. Hiện có 32 hộ tham gia, ủ từ 3-5 tấn phụ phẩm ốc, cá, lục bình, rau củ quả… có thể thu trên 1 tấn phân bón.
“Mô hình giúp tiết kiệm 60% chi phí nhờ giảm lượng phân bón vô cơ, giúp cải tạo đất, phục hồi cây lão hóa, tăng năng suất, trái to, đẹp và có thể kéo dài thời gian bảo quản trên cây thêm khoảng 15 ngày trong thời gian trái cây chín rộ, ùn ứ.
Riêng đối với những hộ chăn nuôi, ngoài giảm lượng hao hụt, giảm chi phí sản xuất (có thể lên đến 50%), giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí sản xuất”, ông Thuận nói.