Đại biểu Quốc hội: Cần coi cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là tình trạng tiêu cực

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho hay có người cho rằng tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Ảnh: GIA HÂNĐại biểu Nguyễn Anh Trí – Ảnh: GIA HÂN

Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay báo cáo giám sát đã nêu 5 nhóm tồn tại, hạn chế và đều rất xác đáng.

Cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm ‘thành một loại dịch lan rất nhanh’

Theo ông Trí, báo cáo chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân khách quan, 4 nhóm chủ quan gây nên các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nghị quyết 43, các nghị quyết của Quốc hội thời gian qua.

“Tất cả đều đúng và trúng”, ông Trí nói và bày tỏ trong đó, rất quan ngại với nguyên nhân chủ quan thứ 3. Cụ thể là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

“Vâng, điều này đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ mọi cấp, mọi ngành trong xã hội suốt từ năm 2022 đến hết năm 2023.

Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là “đặc điểm nổi bật” của cán bộ, công chức trong thời gian qua. Thực sự đau, buồn”, ông Trí nhấn mạnh.

Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại đến năm 2024, ông đề nghị các cấp Đảng, chính quyền cần coi đây tình trạng tiêu cực.

Đồng thời, cần chỉ ra và thực thi kỷ luật ai né tránh, sợ trách nhiệm. Cạnh đó, cũng cần khen thưởng kịp thời với các cán bộ 7 dám, đặc biệt cán bộ, công chức viên chức nào dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Trước đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cũng đặc biệt quan tâm đến tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả.

Một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, tăng chi phí phát sinh thủ tục.

Cùng với đó, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỉ lệ giải ngân thấp.

Có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung của tình hình thực hiện nghị quyết.

“Tôi thấy một hiện tượng đáng lo ngại là từ kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 7 cả hai nguyên nhân hạn chế này đều xuất hiện trong hầu hết các báo cáo trình tại kỳ họp”, ông Tuấn nêu.

Vì sao cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm?

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) thống nhất với thực tế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả.

Ông cho rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh của cán bộ, công chức không chỉ là nguyên nhân, mà là hiện tượng.

Hiện tượng này xuất phát từ 2 nguyên nhân. Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi, lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp, thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị.

Bên cạnh đó, năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức còn hạn chế.

Trong khi thời gian qua việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm, nhất là các văn bản dưới luật.

Việc bồi dưỡng cho đội ngũ thực thi chính sách (công chức, viên chức) chưa chú trọng nhiều vào học chuyên môn, nghiệp vụ.

“Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến.

Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?.

Theo tôi, không phải. Chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức.

Và có kết luận 14 của Trung ương, nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Vậy từ nguyên nhân nào?”, ông Thông đặt vấn đề và đề nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả.

Trong đó, khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng.

Nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc, các địa phương, đơn vị chưa áp dụng cần có giải pháp hữu hiệu.

THÀNH CHUNG

https://tuoitre.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-coi-can-bo-ne-tranh-so-trach-nhiem-la-tinh-trang-tieu-cuc-20240525113655474.htm