Chạy đua xếp hạng đại học chủ yếu phục vụ mục tiêu tuyển sinh

Xếp hạng đại học, như một loại hình của đảm bảo chất lượng bên ngoài, sẽ chỉ hiệu quả và phát huy được tác dụng nếu ứng xử với nó một cách phù hợp, không làm kiểu hình thức và bằng mọi giá.

Theo các chuyên gia, xếp hạng đại học là một trong những tiêu chí để đánh giá nền giáo dục đại học một quốc gia. Tuy nhiên, để đảm bảo đánh giá xếp hạng bền vững phải gắn với đảm bảo chất lượng và công tác kiểm định chất lượng.

Không nên chạy đua bằng mọi giá

Theo GS.TS Trần Diệp Tuấn – chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM, việc xếp hạng đại học đang được nhận định là rất quan trọng với tất cả các bên. Đối với nhà trường, việc xếp hạng sẽ giúp trường biết được mình đang ở đâu, còn thiếu gì. Đối với Nhà nước, có thể chọn được trường đại học mạnh để đầu tư. Đối với người học, giúp họ chọn được trường học phù hợp.

Mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí và phương pháp đánh giá khác nhau. Vì thế không thể cho rằng một trường đại học có tên trong bảng xếp hạng này sẽ tốt hơn so với các trường trong bảng xếp hạng khác. Nhưng với mỗi bảng xếp hạng, các trường có thể tự thấy mình đứng ở đâu, có những thế mạnh, ưu điểm nổi bật nào cũng như các điểm yếu cần khắc phục để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Tuy nhiên, nếu đầu tư không đúng, ví dụ như quá chú trọng vào công bố khoa học và xem nhẹ công tác đào tạo, kiểm định chất lượng theo các chuẩn mực quốc tế thì sẽ làm cho việc xếp hạng đại học bị méo mó, không phản ánh đúng bản chất của giáo dục đại học, thậm chí làm phát sinh tiêu cực.

“Thời gian qua hàng loạt đại học danh tiếng thế giới đã chủ động rút lui khỏi các bảng xếp hạng. Nguyên nhân được cho là phương pháp xếp hạng lỗi thời, nhiều tiêu chí đánh giá xếp hạng không phản ánh được toàn bộ chất lượng một trường, đặc biệt với những trường có những hướng đi riêng theo sứ mệnh của mình.

Đây là điều rất đáng để các trường ĐH Việt Nam suy nghĩ trong việc nhìn nhận vấn đề xếp hạng đại học. Tuyệt đối không nên chạy đua theo xếp hạng bằng mọi giá”, GS Tuấn nhấn mạnh.

TS Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT, cũng cho rằng xếp hạng đại học là một cuộc chơi khắc nghiệt, vì mỗi bảng xếp hạng có một phương pháp, quy tắc riêng. Và cũng bởi đại học là một thực thể rất phức tạp (các trường kém nói chung giống nhau, còn tốt thì mỗi trường tốt một kiểu) nên khó có quy tắc nào phù hợp với tất cả. Thực tế việc gian lận để có số liệu đẹp nhằm tăng hạng là căn bệnh từ ta đến Tây đều có.

Tuyệt đối không nên chạy đua theo xếp hạng bằng mọi giá.
Chạy đua xếp hạng đại học chủ yếu phục vụ mục tiêu tuyển sinh- Ảnh 2.GS.TS Trần Diệp Tuấn (chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Phải gắn với đảm bảo chất lượng

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đối với các bảng xếp hạng đại học, ban đầu cả giới học thuật và các trường đại học ở Mỹ và các nước phương Tây đều không mấy quan tâm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong việc tuyển sinh ngày càng gay gắt, và một số trường có thứ hạng cao bắt đầu sử dụng vị trí xếp hạng của mình trong các bảng xếp hạng đại học thế giới để truyền thông, quảng bá về trường mình với mục tiêu thu hút người học.

“Ngay từ xưa người ta tìm mọi cách bịa số liệu (vì các bảng xếp hạng không hề đến thẩm tra từng trường) để được thăng hạng, chủ yếu là phục vụ mục tiêu tuyển sinh. Thời gian tôi học ở Úc, rất nhiều sinh viên Trung Quốc bị lừa vào các trường xếp hạng cao, nhưng sau một thời gian họ hiểu được bản chất của bảng xếp hạng đại học là quảng cáo nên chọn trường theo các tiêu chí khác.

Ở Việt Nam cũng vậy, nếu khảo sát số thí sinh chọn trường có em nào dựa vào bảng xếp hạng thì sẽ rõ. Phụ huynh và thí sinh hiện nay chỉ quan tâm trường đại học nào có chất lượng, ra trường dễ kiếm việc, lương cao. Điều đó giải thích lý do vì sao có những trường đại học ở Việt Nam dù được xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng đại học thế giới nhưng điểm đầu vào vẫn rất thấp”, ông Dũng nói.

TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo đại học Quốc gia TP.HCM – cho rằng xếp hạng ĐH có ưu điểm làm nền tảng cho công tác đảm bảo chất lượng các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Tuy nhiên, không nên xem xếp hạng là mục tiêu tối thượng của giáo dục đại học, bởi nó chỉ phản ánh một phần bức tranh chất lượng của trường đại học.

Xếp hạng đại học, như một loại hình của đảm bảo chất lượng bên ngoài, sẽ chỉ hiệu quả và phát huy được tác dụng nếu như ứng xử với nó một cách phù hợp, không làm theo hình thức và bằng mọi giá. Cần xem nó như một công cụ so chuẩn, đối sánh chất lượng. Khi đó việc tham gia hay không tham gia bảng xếp hạng chỉ đơn giản là việc dùng hay không dùng công cụ đó. Chúng ta cũng không nên quá nghiêm trọng hóa vấn đề này.

“Các bảng xếp hạng lớn như QS hay THE chỉ sử dụng một bộ tiêu chí để xếp hạng tất cả các trường. Như vậy, nếu như trường nào cũng lấy bộ tiêu chí đó để làm tiêu chí phấn đấu thì sẽ khiến cho hệ thống giáo dục bị lệch, làm mất đi tính đa dạng của hệ thống giáo dục đại học.

Các trường đại học Việt Nam cần chọn bảng xếp hạng phù hợp và đầu tư có trọng điểm. Để đảm bảo đánh giá xếp hạng bền vững phải gắn với đảm bảo chất lượng, công tác kiểm định chất lượng. Đồng thời phải xây dựng đơn vị chuyên trách về quản lý, phân tích số liệu giáo dục và xây dựng trung tâm độc lập đánh giá tác động của các cơ sở giáo dục đại học”, ông Chính nói.

Không dùng xếp hạng để đánh giá nghiên cứu

Trong “Thỏa ước về cải cách đánh giá nghiên cứu” mới nhất của châu Âu có cam kết không dùng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu để đánh giá nghiên cứu. Nhận thấy rằng các bảng xếp hạng quốc tế thường được các tổ chức nghiên cứu nhắc đến nhiều nhất hiện nay là “không công bằng và không thể hiện trách nhiệm”; các tiêu chí mà các bảng xếp hạng này sử dụng không phù hợp để đánh giá từng nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu và đơn vị nghiên cứu.

Mục đích của cam kết này là tránh sử dụng số liệu của các bảng xếp hạng quốc tế một cách không phù hợp để đánh giá các nhà nghiên cứu, làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu. Cam kết này cũng sẽ giúp cộng đồng nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu lấy lại quyền tự chủ trong việc định hình các hoạt động đánh giá, thay vì phải tuân thủ các tiêu chí và phương pháp do các công ty thương mại đặt ra. Điều này có thể bao gồm việc duy trì quyền kiểm soát các phương pháp và dữ liệu xếp hạng.

TRẦN HUỲNH
https://tuoitre.vn/chay-dua-xep-hang-dai-hoc-chu-yeu-phuc-vu-muc-tieu-tuyen-sinh-20240614092944797.htm