Nhân ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4), phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương về diễn biến dịch bệnh sốt rét và mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 ở Việt Nam.
Thời gian gần đây, bệnh sốt rét tưởng như đã bị lãng quên nhưng vẫn âm thầm diễn biến trong cộng đồng, vậy tình hình dịch hiện nay như thế nào, thưa ông?
Việt Nam vẫn còn lưu hành bệnh sốt rét, thậm chí vẫn còn những ổ dịch diễn biến phức tạp tại một số địa phương.
Trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận khoảng 450 ca mắc sốt rét. Hiện có 46 tỉnh, thành phố đã được công nhận loại trừ sốt rét. Tuy nhiên, tại 46 tỉnh này vẫn ghi nhận các ca sốt rét ngoại lai từ những người từ vùng có dịch trở về mắc bệnh, đặc biệt là những người đi lao động, đi du lịch từ châu Phi về. Riêng năm 2023, cả nước có 448 trường hợp mắc sốt rét được phát hiện, trong số đó có tới một nửa ca mắc là ca ngoại lai.
Trong nước, hiện nay các ca sốt rét chủ yếu tập trung tại một số “điểm nóng” như: Ổ dịch huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mỗi năm; như năm 2023 tại đây có khoảng 208 ca mắc, chiếm gần một nửa ca mắc của cả nước. Tại “điểm nóng” dịch ở Mường Tè (Lai Châu) cũng ghi nhận trên dưới 100 ca mắc/năm; đặc biệt khu vực này là khu vực trọng điểm được đầu tư tập trung phòng chống sốt rét nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đạt nhiều hiệu quả.
Nếu ở đâu còn ca mắc sốt rét, còn muỗi truyền bệnh thì bệnh vẫn còn lây lan.
Vậy theo ông, đâu là thách thức trong công tác kiểm soát dịch bệnh sốt rét hiện nay?
Hiện nay, Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức trong công tác phòng, chống sốt rét.
Về dịch tễ, sốt rét là một bệnh diễn biến phức tạp và khó lường. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã tiến dần đến đích loại trừ bệnh nhưng kết quả vẫn không thể loại trừ được, thậm chí dịch còn còn quay lại và bùng phát dịch mạnh mẽ hơn. Đơn cử như ở Thái Lan, dịch hiện đã lây lan rộng trở lại, số ca mắc lên tới hàng nghìn ca mỗi năm.
Đặc thù của bệnh sốt rét là ký sinh trùng gây bệnh có thể lây lan qua muỗi đốt và tồn tại trong cơ thể người, thậm chí trong các loài động vật khác như khỉ. Đặc biệt, kí sinh trùng này còn có thể ở dạng ẩn, tức là người lành mang kí sinh trùng ở trong gan và nhưng không có biểu hiện bệnh, thậm chí xét nghiệm không phát hiện bệnh trong nhiều năm; nhưng đến một lúc nào đó ký sinh trùng lại có thể “ngoi ra” phát triển vào trong máu và gây bệnh.
Đặc biệt, ký sinh trùng gây sốt rét hiện đã có thể gây kháng thuốc; tức là thuốc điều trị không có tác dụng; bệnh nhân dễ chuyển sang sốt rét ác tính gây nguy hiểm. Việt Nam đã từng ghi nhận ổ dịch sốt rét kháng thuốc tại tỉnh Bình Phước rất phức tạp. Dấu hiệu kháng thuốc ở các ca mắc sốt rét vẫn đáng lo ngại khi thời gian điều trị các ca sốt rét hiện nay đã kéo dài hơn. Cụ thể, nếu trước đây, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc 2 ngày là có thể diệt sạch được kí sinh trùng gây sốt rét trong máu, nhưng hiện nay tình trạng này phải kéo dài đến 5 ngày, thậm chí 7 ngày. Điều này cho thấy, sự nhạy cảm của kí sinh trùng đối với thuốc điều trị đã giảm. Đây là thách thức rất lớn trong điều trị bệnh sốt rét.
Hiện nay, dịch bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp vì nó chủ yếu tập trung ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; người dân chưa có nhiều kiến thức, ý thức phòng bệnh. Đặc biệt, người dân ở các khu vực này sống chủ yếu với nghề đi rừng, ngủ rẫy khiến cho nguy cơ bị muỗi đốt, làm lây lan bệnh rất cao. Trong khi đó, lối sống du canh, du cư của bà con khiến việc tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị sốt rét cũng có nhiều khó khăn.
Đặc biệt, hiện tâm lý chủ quan lơ là của người dân, lãng quên đi bệnh sốt rét nên không có phương án dự phòng. Kể cả các cơ sở y tế, có những nơi chủ quan, không nghĩ đến chẩn đoán bệnh sốt rét khiến việc chẩn đoán, điều trị bị muộn, thậm chí nhiều ca tử vong do chẩn đoán muộn.
Từ khi dịch bệnh sốt rét có dấu hiệu giảm xuống, nguồn viện trợ nước ngoài và đầu tư trong nước, nhân lực cũng bị cắt giảm; hiện nay lực lượng cán bộ y tế làm công tác phòng chống sốt rét ở tuyến huyện, tuyến xã rất mỏng. Từ đó dẫn đến công tác hoạt động giám sát và hệ thống cảnh báo giảm đi, nguy cơ sốt rét quay trở lại tại các tỉnh thành đã có dịch là rất cao.
Có 4 phương thức lây truyền bệnh gồm:
– Do muỗi truyền, đây cung là đường lây chủ yếu của bệnh.
– Do truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét.
– Do mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương (hiếm gặp).
– Do tiêm chích, bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét, do tiêm chích ma tuý.
Mọi người đều có thể nhiễm sốt rét. Miễn dịch sốt rét không đầy đủ và ngắn nên người mới bị khỏi có thể bị tái nhiễm ngay.
Người mắc sốt rét cần được chẩn đoán sớm, điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế tử vong và làm giảm lây lan.
Với rất nhiều khó khăn còn trước mắt, chúng ta cần những giải pháp nào để đạt được mục tiêu “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030”, thưa ông?
Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc loại trừ một số bệnh như: Phong, lao, uốn ván… Bài học kinh nghiệm đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành và vai trò nòng cốt là ngành y tế; với các biện pháp đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện ra ca bệnh điều trị sớm, kịp thời.
Để thực hiện loại trừ sốt rét đến năm 2030, chúng ta phải có kế hoạch xây dựng chiến lược quốc gia để thực hiện. Hiện Việt Nam đã có chiến lược trong 10 năm (giai đoạn 2011 – 2020), cần phải xây dựng chiến lược mới nhằm mục đích huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể chính quyền các cấp chung tay cùng ngành y tế. Bởi nếu không có chiến lược, nhiều địa phương sẽ bỏ bê, không quan tâm đầu tư kinh phí để phòng chống sốt rét; khi đó dịchcó điều kiện bùng phát trở lại.
Chúng ta cần phải thiết lập lại hệ thống y tế trong bối cảnh phòng sốt rét quay trở lại đối với các tỉnh, thành phố đã loại trừ được bệnh. Cụ thể, cần bố trí lại hệ thống xét nghiệm ở một số điểm cụ thể để có thể thực hiện xét nghiệm, phát hiện ca bệnh khi cần thiết. Có thể xây dựng các điểm xét nghiệm tại các trung tâm y tế, các bệnh viện; với những xã ở xa trọng điểm thì có thể bố trí 1 điểm xét nghiệm liên xã. Hệ thống cung ứng thuốc điều trị sốt rét cũngcần tương tự thế, chứ không không cần thiết phải dàn trải để tránh tốn kém, lãng phí.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xây dựng hệ thống giám sát chủ động các ca bệnh, nhất là những người từ nước ngoài về, những vùng có dịch sốt rét.
Đặc biệt, các địa phương cần có hoạt động giám sát về muỗi truyền bệnh, để cảnh báo cho bà con biết khu vực nào muỗi Anophen truyền bệnh đang phát triển và có nguy cơ bùng phát dịch.
Nếu chúng ta thực hiện được các chiến lược hiệu quả, Việt Nam loại trừ được sốt rét thì chúng ta sẽ là một trong những điểm sáng trong khu vực về loại trừ dịch bệnh nguy hiểm gây thách thức cho nhân loại.
Xin cám ơn ông!