Ngoại trưởng Na Uy Eide khẳng định nước này sẽ tuân thủ nếu Tòa Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel.
“Nếu ông Netanyahu và ông Gallant bị phát lệnh bắt, chúng tôi có nghĩa vụ bắt họ nếu họ tới Na Uy. Tất cả các nước đã phê chuẩn hiệp ước gia nhập ICC đều phải hành động”, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide ra tuyên bố hôm 21/5.
Pháp và Bỉ trước đó cũng tuyên bố ủng hộ ICC. “Pháp ủng hộ ICC, sự độc lập của họ cùng cuộc chiến chống lại quyền miễn trừ trong mọi trường hợp”, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố ngày 20/5.
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib đăng trên mạng xã hội X: “Những người gây ra tội ác ở Dải Gaza phải bị truy tố ở mức cao nhất, dù là ai đi chăng nữa”.
Công tố viên trưởng ICC Karim Khan trước đó thông báo đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chỉ huy lữ đoàn al-Qassam của Hamas Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh vì các cáo buộc về “tội ác chiến tranh” và “tội ác chống lại nhân loại”. Hội đồng thẩm phán ICC sẽ cân nhắc và quyết định có thể được đưa ra trong vài tuần tới.
Giới chức Israel và Hamas đều chỉ trích hành động của công tố viên ICC. Mỹ, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cáo buộc công tố viên ICC “thái quá” và nhấn mạnh không nên đánh đồng Israel với Hamas.
Nếu ICC phát lệnh bắt các lãnh đạo Israel cùng thủ lĩnh Hamas, 124 nước thành viên có nghĩa vụ bắt những người này và chuyển tới Hà Lan để xét xử nếu họ đặt chân tới lãnh thổ. Na Uy, Pháp và Bỉ đều là thành viên ICC.
ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, được thành lập để điều tra các tội ác nghiêm trọng nhất, trong đó có diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Israel không công nhận thẩm quyền của ICC.
ICC từng phát lệnh bắt với cựu tổng thống Sudan Omar al-Bashir, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lệnh bắt của ICC với các lãnh đạo quốc tế nhìn chung mang tính biểu tượng vì các lãnh đạo sẽ tránh đến các quốc gia thành viên và bản thân một số nước ICC không tuân thủ lệnh bắt do e ngại về khủng hoảng ngoại giao. Ông Omar al-Bashir từng đến một số quốc gia thành viên ICC như Nam Phi và Jordan nhưng không bị bắt.
Ngọc Ánh (Theo Al Mayadeen/AA/AFP)
https://vnexpress.net/na-uy-tuyen-bo-se-tuan-thu-neu-icc-phat-lenh-bat-thu-tuong-israel-4749344.html