Cảnh báo chiến dịch tấn công mạng có chủ đích APT mới nhắm vào Việt Nam

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa phát đi cảnh báo, đồng thời yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin có khả năng bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tấn công mới, do nhóm APT ‘Mustang Panda’ thực hiện nhằm vào Việt Nam.

APT (Advanced Persistent Threat) là hình thức tấn công mạng có mục tiêu cụ thể do tin tặc sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật lừa đảo để đột nhập mạng mục tiêu và dai dẳng tập trung vào mục tiêu đó trong thời gian dài, cho đến khi cuộc tấn công diễn ra thành công (hoặc bị chặn đứng).

Hậu quả của các cuộc tấn công APT là vô cùng nặng nề: tài sản trí tuệ bị đánh cắp (bí mật thương mại hoặc bằng sáng chế…); thông tin nhạy cảm bị xâm nhập (dữ liệu cá nhân, hồ sơ nhân viên…); cơ sở hạ tầng quan trọng của tổ chức bị phá hủy (cơ sở dữ liệu, máy chủ quản trị…) hay toàn bộ tên miền của tổ chức bị chiếm đoạt.

Hình thức tấn công này là một trong những xu hướng tấn công nổi bật trong năm 2024 và cả các năm tiếp theo, cùng với tấn công từ chối dịch vụ phân tán – DDoS và tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền – ransomware.

apt

Báo cáo tình hình an toàn thông tin Việt Nam quý I/2024 do Viettel Cyber Security thực hiện đã đánh giá Mustang Panda là 1 trong 4 nhóm tấn công APT có ảnh hưởng lớn tới các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Các chuyên gia Viettel Cyber Security cũng nhận xét, tuy số lượng mã độc do ‘Mustang Panda’ phát tán giảm đi nhưng lại có mức độ tinh vi hơn, nhóm này đã thay đổi và cải tiến nhiều kĩ thuật để gây khó khăn trong việc phát hiện và điều tra tấn công.

Vì vậy Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa phát cảnh báo về các chiến dịch tấn công mới của nhóm ‘Mustang Panda’ nhằm vào Việt Nam.

Cụ thể, Cục An toàn thông tin cho biết, trong quá trình giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, thời gian gần đây Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục đã phát hiện và ghi nhận các hành vi tấn công trái phép của nhóm ‘Mustang Panda’ trong các chiến dịch nhằm vào tổ chức tại Việt Nam.

Chiến dịch tấn công mới của nhóm ‘Mustang Panda’ sử dụng những ‘mồi nhử’ xoay quanh lĩnh vực giáo dục và thuế, áp dụng nhiều góc tiếp cận, và lợi dụng các công cụ như ‘forfiles.exe’ để thực thi file độc hại được lưu ở máy chủ C&C. Mục tiêu mà nhóm hướng tới là các tổ chức chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức giáo dục…

Phân tích của các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hai chiến dịch tấn công của nhóm ‘Mustang Panda’ được ghi nhận trong các tháng 4 và 5 nhằm vào tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đã sử dụng file văn bản có nội dung liên quan tới cơ quan thuế và tổ chức giáo dục. Cả hai chiến dịch đều có điểm chung là bắt nguồn từ các email lừa đảo có đính kèm file độc hại.

Trước đó, năm 2023, Bkav đã phát hiện nhiều chiến dịch tấn công APT của các nhóm hacker “Mustang Panda”, APT31… sử dụng các phần mềm gián điệp (PlugX, CobaltStrike, njRAT …) nhằm âm thầm đánh cắp các file dữ liệu lưu trữ trong các máy không có Internet.

Nghiên cứu cho thấy, phần mềm gián điệp nhắm đến các file có định dạng .doc, .docx, .xls, .xlsx, .ppt, .pptx, .pdf… trên máy tính rồi giấu vào USB, chờ cơ hội lây lan sang máy khác có Internet. Khi đó, chúng sẽ gửi toàn bộ dữ liệu đánh cắp được về máy chủ của hacker.

Số lượng các cuộc tấn công gián điệp APT tại Việt Nam trong năm 2023 tăng 55% so với 2022, nhắm vào hơn 280.000 máy tính.

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin của các đơn vị, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin đề nghị các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và nền tảng số cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, có khả năng bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tấn công do nhóm “Mustang Panda” thực hiện.

Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cũng cần chủ động theo dõi các thông tin liên quan đến chiến dịch nhằm thực hiện ngăn chặn, tránh nguy cơ bị tấn công.

Đồng thời, tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng, và thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng cũng như những tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.

Trong trường hợp cần thiết có thể liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, điện thoại: 02432091616, thư điện tử: [email protected].

Hà Linh

https://sohuutritue.net.vn/canh-bao-chien-dich-tan-cong-mang-co-chu-dich-apt-moi-nham-vao-viet-nam-d223392.html