Những năm gần đây, không chỉ phát triển vũ bão ở các đô thị lớn, ‘xe ôm công nghệ’ còn ăn nên làm ra ở các tỉnh miền Tây sông nước, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương không phải tha hương làm công nhân.
Thấy tôi chạy xe đến quán, một người bạn ngạc nhiên hỏi: “Bộ không sợ giao thông hả, đi uống sao còn chạy xe?”.
Do bạn từ nơi khác đến, chưa rõ về dịch vụ xe ở Cà Mau, tôi giải thích: “Đi nhậu ở Cà Mau có thể chạy xe theo thoải mái. Khi nào về chỉ cần alô “xe ôm công nghệ” đến chở mình và mang xe về tới nhà”.
Phục vụ dân nhậu là chính
Cà Mau có gần 70 nhóm nhận mình là “xe ôm công nghệ”, trong đó nội ô TP Cà Mau có gần 40 nhóm. Mỗi nhóm có trung bình từ 3 – 10 xe, thậm chí có những nhóm quy mô tới vài chục xe.
Dịch vụ xe này tại Cà Mau phát triển chủ yếu phục vụ khách sử dụng rượu bia, không thể tự lái xe. Dịch vụ hoạt động 24/24, nhưng sôi nổi nhất sau 18h.
Khách thường yêu cầu chở người và lái xe khách về. Do vậy, mỗi cuốc xe thường cần hai tài xế, một người chạy xe khách và một người chở khách về nhà.
“Khách uống rượu bia chiếm khoảng 80%, còn 20% các cuốc xe giao nhận hàng và chở khách thông thường” – anh Trần Xuân Bắc, chủ nhóm Xuân Bắc (TP Cà Mau), “bật mí”.
Anh Bắc cho biết nhóm anh có hơn 50 thành viên, đa số là sinh viên, anh chị em làm công nhân, làm hồ. Mỗi người chạy từ 17h đến khoảng 1h sáng, trung bình kiếm được 150.000 đồng.
“Tôi chịu trách nhiệm đứng ra đóng thuế, trực điện thoại và xếp tài cho anh em. Mỗi tháng tôi thu 400.000 đồng/người”, anh Bắc cho biết.
Giá rẻ, thân thiện, theo dõi được lộ trình, biết rõ thông tin của tài xế… là những tiện ích mà “xe ôm công nghệ” mang đến cho khách hàng ở Cà Mau.
Giá mỗi km xe gồm khách và xe máy của khách được tính trung bình từ 5.000 – 7.000 đồng. Nếu khách có ô tô cần chạy về thì mỗi km dao động từ 10.000 – 15.000 đồng tùy nhóm.
Anh Nguyễn Hùng Cường, nhóm Xuân Bắc, cho biết nhóm thường chỉ ngồi ở các quán và khách có thể đi trực tiếp hoặc điện thoại về chủ (hay còn gọi là tổng đài) để đặt xe.
“Chúng tôi không có app lộ trình xe chạy và số tiền bao nhiêu. Tuy nhiên tính tiền thì sẽ đo đếm km bằng phần mềm trên điện thoại xác định khoảng cách bao xa để tính tiền. Mỗi đêm chạy tôi kiếm được hơn 150.000 đồng”, anh Cường cho biết.
Anh Nguyễn Văn Tính cho biết anh hay chạy xe máy đi làm, hôm nào bạn bè rủ hoặc có tiệc, anh không lo lắng đường về.
“Có danh bạ các nhóm “xe ôm công nghệ”, khi gần về mình alô một tiếng hoặc nhắn tin gửi vị trí cho các bạn chạy tới. Đợi khoảng 10 phút là có xe đến đón”, anh Tính nói.
Tiện lợi với Grab ở Cần Thơ
Tại TP Cần Thơ, từ khi hãng xe công nghệ Grab hoạt động, người dân nơi đây hay du khách có thêm lựa chọn đi lại.
Anh Thanh Vũ (quận Cái Răng) thường hay đi tiếp khách sau giờ làm việc. Trước đây anh đi taxi, từ khi có Grab anh chuyển qua đi xe hãng này.
“Tùy cự ly và thời tiết, tôi chọn GrabBike hoặc GrabCar. Thời gian đặt xe qua ứng dụng đến khi xe đến rước cũng khá nhanh và tiện lợi”, anh Vũ cho biết.
Bà Thanh Trúc có con đang học THPT tại quận Ninh Kiều, gia đình luôn sắp xếp thời gian đưa đón con đi học. Từ khi có GrabBike, những hôm bận việc bà Trúc đặt xe đưa con đi học.
“Qua ứng dụng đặt xe, mình biết tên tài xế, biển số xe, khi con đặt xe rồi chia sẻ lộ trình cho phụ huynh nên cũng yên tâm sử dụng dịch vụ này”, bà Trúc nói.
Tương tự, tại Sóc Trăng, từ khi bị “siết” đo nồng độ cồn, tại nhiều quán nhậu trên đường Phú Lợi, Lê Duẩn… TP Sóc Trăng luôn có nhóm “xe ôm công nghệ” túc trực. Một số nhà hàng còn bố trí ô tô, tài xế trực sẵn, khách nhậu có nhu cầu là đưa về miễn phí.
Vui, buồn những chuyến xe đêm
Tại TP Cà Mau, sau 18h rất dễ gặp các nhóm “xe ôm công nghệ” lưu thông trên đường hoặc tập trung trước các nhà hàng, quán nhậu. Các nhóm này quảng cáo qua mạng xã hội hoặc in danh thiếp phát trực tiếp cho khách tại quán.
Anh Nguyễn Trọng Hiếu (TP Cà Mau) cho biết: “Nhiều nhóm ra đời, cạnh tranh giá nên lợi cho khách nhưng nhiều lúc cũng lo. Tôi nghe nói có nhóm cũng lợi dụng đêm tối lấy tiền khách nhiều hơn giá quy định, đôi lúc có tính km sai nên xảy ra cự cãi.
Kinh nghiệm của tôi là đi các nhóm xe quen để an toàn. Họ cũng biết nhà mình rồi nên khỏi mất công chỉ đường”, anh Hiếu chia sẻ.
Còn anh L.M.T., cán bộ công chức ở Cà Mau, cho biết có lần anh đang nhậu thì có nhóm xe đến phát card, nhậu xong anh điện theo số điện thoại in trên card để chở về.
“Dù đoạn đường chỉ khoảng 3km, đáng lẽ chỉ tốn khoảng 15.000 đồng nhưng những nhóm xe này hét giá 50.000 đồng. Đêm khuya chỉ có một mình nên cũng đành trả tiền và từ đó về sau không đi những nhóm xe lạ nữa”, anh T. nhớ lại.
Tuy nhiên, không chỉ khách gặp rủi ro mà thậm chí người chạy xe nhiều lúc bị cảnh khó chịu.
Làm phụ hồ tại TP Cà Mau, thu nhập của anh Nguyễn Chí Hiếu không đủ nuôi sống hai con. Anh Hiếu cùng vợ chạy xe để kiếm thêm thu nhập vào buổi tối. Trung bình mỗi tối hai vợ chồng kiếm được hơn 300.000 đồng. Số tiền này đủ trang trải sinh hoạt nhưng đa phần phải tiếp xúc khách say xỉn.
“Có hôm tôi cùng vợ chở khách, gặp khách xỉn không nhớ đường về. Họ chỉ hết đường này đường khác nên phải chạy lòng vòng. Khi đến nhà, họ cự cãi là từ quán đến nhà chỉ quãng ngắn sao lại lấy nhiều tiền.
Những lúc như vậy chỉ biết đành bỏ công, bỏ tiền. Có lần vợ tôi chạy chở khách nam say xỉn còn bị sờ soạng lung tung. Sau lần đó, vợ tôi chỉ chở khách nữ”, anh Hiếu kể.
Chị Mộng Nghi, có thâm niên chạy xe hơn 5 năm, giờ là chủ nhóm “xe ôm công nghệ” 70, cho biết:
“Nhiều khi cũng gặp tình huống éo le, khách gọi xe mình đến nơi phải ngồi đợi khách nhậu tiếp hơn 1 tiếng mới về nhưng đã nhận cuốc rồi nên anh em vẫn phải vui vẻ ngồi chờ.
Làm nghề này chủ yếu nhờ mối quen. Hồi trước tôi chỉ chạy xe máy, giờ tôi học thêm bằng lái ô tô nên khách nào cần chạy xe gì về tôi cũng đáp ứng được”.
Ông Trần Hiếu Hùng – giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau – cho biết “xe ôm công nghệ” phát triển là rất tốt, phù hợp điều kiện thực tế.
Cà Mau cùng với cả nước đang xử lý nghiêm người tham gia giao thông có nồng độ cồn. Bản thân tôi cũng nhiều lần đi xe này thấy rất tốt, giá cả phải chăng và công khai, minh bạch.
Theo ông Hùng, mặc dù còn một số rủi ro nhất định nhưng không thể phủ nhận những tiện ích mang lại cho hành khách. Việc ra đời các nhóm xe này đã bước đầu xóa bỏ được tình trạng “chặt chém” vì khách biết trước giá, khoảng cách chuyến đi, không lo tài xế “vẽ đường”.
Mỗi tài xế là một hướng dẫn viên du lịch
Ông Trần Hiếu Hùng cho biết các nhóm xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách sau khi sử dụng rượu bia.
Những người chạy xe đa phần ở địa phương, am hiểu về các nơi ăn uống, giải trí nên cũng là hướng dẫn viên đối với du khách. Cà Mau là một trong những địa phương phát triển “xe ôm công nghệ” trên điện thoại sớm và mạnh mẽ nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Gần gũi với đời sống người dân
Đại diện truyền thông Công ty TNHH Grab cho biết Grab đang cung cấp các dịch vụ GrabBike, GrabCar, GrabTaxi, GrabFood, GrabExpress tại TP Cần Thơ.
Các dịch vụ Grab đã trở thành một phần gần gũi trong đời sống người dân, trong đó GrabCar và GrabBike đã phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân địa phương và du khách. Cụ thể số lượng cuốc xe trong tháng 3-2024 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra các nhà hàng, quán ăn tại TP Cần Thơ cũng phát triển thêm nhờ hợp tác với GrabFood, từ đó có thêm lượng khách hàng mới, tăng đơn hàng và tăng doanh thu. Các đối tác tài xế Grab cũng có thêm cơ hội tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.